Sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa cùng với nền kinh tế thị trường đã và đang tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội và điều kiện phát triển, từ một nước nghèo đói, chậm phát triển vươn lên trở thành một nước đang phát triển với mwusc thu nhập trung bình. Tuy nhiên, kèm theo đó mang lại một số hệ lụy như các thói hư tật xấu trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều từ đời sông thường nhật đến công tác quản lý vĩ mô, điều này ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt của đất nước.
Tác động xã hội khiến đời sống văn hóa xuống cấp
Tương quan với sự phát triển, văn hóa Việt Nam đã được đánh giá có nhiều thay đổi tiến bộ. Không chỉ là sản phẩm thụ động của đời sống, văn hóa đã trở thành chỗ dựa tinh thần, nhân tố bên trong quyết định hành vi và hoạt động của người cả trong môi trường cá nhân và tập thể.
Tuy nhiên, cái gì cũng sẽ có hai mặt đối lập, cùng với sự tiến bộ tích cực không thể phủ nhận ấy, văn hóa Việt Nam trong xã hội thường nhật lại chưa đủ sức chống lại hay đề phòng trước những tiêu cực từ cả bên trong và bên ngoài. Sự tử tế và tính nhân văn của một bộ phận người Việt không đủ mạnh mẽ để tự vệ và phản kháng lại trước những thói hư tật xấu, những thoái hóa đạo đức trong đời sống xã hội đang ngày càng gia tăng hiện nay.
Thói hư tật xấu trong đời sống văn hóa – xã hội gia tăng
Nhân tố tác động đến văn hóa hiện nay chính là một loạt các vấn nạn lớn và nghiêm trọng về kinh tế – chính trị – xã hội. Thầy Nguyễn Sỹ Nguyên, giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho hay: “Không phải cả xã hội Việt Nam đều xấu nhưng chỉ vì một bộ phận người Việt Nam khiến cho cái nhìn toàn thể xấu đi. Tình trạng tham nhũng ngày càng nhiều; đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y, hay Tư pháp, Luật pháp cũng trở nên thiếu nhân văn; môi trường bị ô nhiễm trầm trọng cũng do ý thức người dân vẫn còn chủ quan và thờ ơ trước đời sống chung của xã hội; đời sống nhà trường cũng có nhiều vấn đề đáng báo động (bạo lực học đường, học sinh, sinh viên thiếu văn hóa, giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp,…),… và còn rất nhiều những thói hư tật xấu khác đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội Việt Nam thường ngày.”
Những vấn đề xuất hiện từ bản chất nền văn hóa
Bên cạnh những tác động từ xã hội thì ngay trong văn hóa cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập làm cho nét đẹp nhân văn trong văn hóa của người Việt trở nên thiếu thốn trầm trọng.
Đạo đức xuống cấp làm tha hóa con người
Có thể thấy trước đây, khi văn hóa Việt Nam còn chưa có cơ hội để hội nhập thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, đời sống văn hóa mang tính nhân văn cao, con người đề cao lối sống đạo đức chuẩn mực. Tuy nhiên, xã hội ngày nay mặc dù vẫn giữ gìn và phát huy được những nét đẹp vốn có thì một bộ phận không nhỏ lại đang dần làm mất đi niềm tin vào lối sống đẹp của người Việt Nam.
Một bộ phận cán bộ vì mục đích cá nhân, đem lợi nước tích cho lợi nhà, tham ô, tham nhũng đang trở thành một vấn nạn khó giải quyết, niềm tin của nhân dân vào các cấp chính quyền đã có phần giảm sút. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã tiến hành một số giải pháp tích cực, lên án mạnh mẽ trong đời sống tinh thần xã hội nhưng vẫn chưa thể loại bỏ được hết những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bên cạnh đó, hiện tượng tội phạm gia tăng một cách chóng mặt, không chỉ về số lượng mà tính chất dã man của các vụ phạm tội khiến người dân không khỏi lo ngại, trong số đó đối tượng tội phạm là những người trẻ tuổi có học thức ngày càng tăng.
Tội phạm cũng như tính chất dã man đang gia tăng từng ngày
Điều rõ nhận thấy nhất ở xã hội chính là hiện tượng vô cảm vẫn còn hiện hữu và không hề có xu hướng giảm bớt. Tinh thần tôn trọng pháp luật ngày càng kém và thói quen lách luật đã trở thành thói quen.
Giáo dục – đào tạo bị khủng hoảng từ chính chức năng của giáo dục
Giáo dục – đào tạo những năm gần đây được thấy là đã xuống cấp và phát triển thành khủng hoảng. Đầu tư vào giáo dục cao nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu.
Một bộ phận giáo viên thì suy đồi; học sinh, sinh viên ngày càng vô văn hóa khiến câu hỏi giáo dục đang làm gì trước những vấn đề đó được quan tâm hơn bao giờ hết. Phải chăng, giáo dục hiện nay đang quá coi trong vào câu chữ, giáo điều, kiến thức suông mà quên không dạy cách làm người.
Chính vì vậy, giáo dục đời sống là yếu tố quan trọng hàng đầu và cần được ưu tiên triển khai, đặc biệt là trong đời sống xã hội đang dần thoái hóa về đạo đức.
Y tế xuống cấp trong mối quan hệ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và người nhà
Bạn có thể nhận thức rõ ràng qua một số vụ việc nổi bật trong ngành Y tế những tháng vừa qua. Từ người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ rồi tạo hiện trường giả hay một số cán bộ y tế cấp cao không dám đứng ra chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân, người nhà cũng như những nhân viên y tế dưới quyền vô tội.
Hay còn nhiều vấn đề bất cập về bảo hiểm y tế hay giá cả thuốc chữa bệnh cũng là những nỗi lo ngại mà ngành Y tế đang gặp phải.
Đời sống văn hóa còn nhiều bất cập
Chính sách về văn hóa được xây dựng còn thiếu đồng bộ, chậm trễ. Một số lĩnh vực còn xảy ra chồng chéo giữa các Bộ, ngành trong quản lý.
Sự chênh lệch trong xã hội giữa các tầng lớp, các vùng miền, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, hải đảo về thu nhập, mức sống, giáo dục, chăm sóc y tế… ngày càng tăng.Tuy nhiên, sự chênh lệch về đời sống văn hóa như vậy không bắt nguồn từ người dân, mà từ thể chế, từ quyết sách vĩ mô của các cơ quan quản lý.
Từ những thực trạng trên có thể thấy rõ đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam đã có nhiều biến đổi tiêu cực đến thế nào. Trước tình hình đó, mong rằng trong thời gian tới sẽ có những chính sách thay đổi tích cực từ Chính phủ nhằm xây dựng lại nét đẹp văn hóa vốn có của cha ông.