Giá trị nhân văn luôn là thứ mà loài người hướng tới và có ý nghĩa to lớn trong mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, để gìn giữ những nét nhân văn ấy trong bối cảnh toàn cầu hóa thì không phải chuyện đơn giản.
Giá trị nhân văn là gì?
Giá trị nhân văn là hệ thống những quan điểm thể hiện tình thương yêu giữa con người với con người, coi trọng nhân phẩm và quyền được phát triển của con người, coi lợi ích con người là tiêu chuẩn. Nói một cách dễ hiểu, nhân văn là ca ngợi và tôn vinh các giá trị “Người” của con người.
Chủ nghĩa nhân văn truyền thống của con người Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nằm trong không gian và thời gian của nền văn hóa Á Đông, nền văn minh lúa nước Đông Nam Á… Chính những điều trên đã làm nên những nét riêng biệt khó lẫn của tính nhân văn trong văn hoá Việt Nam.
Theo các nhận định, giá trị nhân văn ở Việt Nam xưa có đặc điểm là thiên về chủ nghĩa hành động, đậm tính hiện thực, ít lý thuyết, bao dung và hoà đồng.
Giá trị nhân văn ca ngợi tính “người” của con người
Biểu hiện của giá trị nhân văn trong văn hóa Việt
- Tình yêu thương con người, “lá lành đùm lá rách”
Ngay từ sớm, dân tộc Việt Nam đã hình thành lối sống nhân ái, vị tha, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau, thể hiện ở những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao xưa: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Thêm vào đó, trong đời sống hàng ngày, người Việt cũng dành sự khoan dung, độ lượng cho những người lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, trở về với với chính nghĩa: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.
Giáo sư Hoàng Tuấn Minh, giảng viên bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trường Cao đẳng y dược Sài Gòn chia sẻ: “Hồ Chủ tịch vẫn luôn nhắc nhở thế hệ sau phải kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn của dân tộc. Cần luôn có lòng khoan dung bao la, rộng mở, bởi trong mấy triệu người có người thế này, có người thế khác, nhưng vẫn là dòng dõi tổ tiên ta.”
Trong chiến tranh, lòng khoan dung ấy vẫn được thể hiện qua việc sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhanh chóng trao trả tù binh Mỹ và cùng tìm kiếm thi hài lính Mỹ mất tích. Chính truyền thống tốt đẹp ấy đã cảm hóa được kẻ thù của chúng ta và thiết lập được mối giao hảo hữu nghị, giúp Việt Nam có cơ hội hòa nhập với thế giới.
Người Việt Nam có truyền thống khoan dung, độ lượng
- Tôn trọng, đề cao con người và những giá trị tốt đẹp của con người
Nền văn hoá Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi con người là kết tinh của những gì tinh tuý nhất, đẹp đẽ nhất: “Người ta là hoa của đất”, “Người sống đống vàng”, “Một mặt người bằng mười mặt của”…
Do đó, trong mọi chính sách, chủ trương, mọi thời đại nhà cầm quyền đều “lấy dân làm gốc”, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
Đặc biệt, văn hoá Việt Nam còn có một truyền thống rất đáng trân trọng là đề cao người phụ nữ. Hàng loạt những minh chứng từ thời phong kiến đến nay đã được đưa ra, đủ để chứng minh một cách đầy thuyết phục cho chủ nghĩa nhân văn trong văn hoá Việt Nam.
Người Việt Nam cũng luôn coi trọng đạo đức, nhân phẩm và các giá trị của con người: “Uống nước nhớ nguồn”, “Người ta sống vì mồ vì mả. Không ai sống vì cả bát cơm”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”…
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc cần thiết của người Việt Nam ta là phải gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp mà ông cha đã để lại.